Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách TTHC, kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là trung tâm) đã đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT và phần mềm đồng bộ, hiện đại nhằm tạo đột phá trong cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bằng nhiều giải pháp ứng dụng CNTT tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC, như: Màn hình điện tử hiển thị thông tin về tình hình giải quyết hồ sơ; kios lấy số thứ tự, hệ thống xếp hàng tự động; thiết bị đọc mã vạch tra cứu thông tin; hệ thống phần mềm một cửa điện tử tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC..., Trung tâm đang từng bước nâng cao chất lượng, công khai, minh bạch trong giải quyết các TTHC để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, thực hiện và giám sát việc giải quyết TTHC.
Đặc biệt, 100% TTHC từ khâu tiếp nhận và trả kết quả được số hóa xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ có nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật và những hồ sơ chưa thể số hóa), các thao tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ được thực hiện trên hệ thống phần mềm một cách nhanh chóng, thuận tiện, qua đó, tăng hiệu quả quản lý thông tin, dữ liệu, thuận tiện cho việc tra cứu nội dung hồ sơ TTHC trong trường hợp cần thiết, giảm tối đa việc ban hành, lưu trữ bản giấy gây tốn kém chi phí tại trung tâm. 100% TTHC thực hiện tại trung tâm được thiết lập quy trình điện tử chuẩn ISO trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử, qua đó đảm bảo việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, đơn vị được thực hiện một cách công khai, minh bạch trên môi trường mạng, đồng thời xác định rõ được trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong từng khâu, từng việc của quá trình giải quyết TTHC. Kết quả giải quyết TTHC được trung tâm thông báo qua tin nhắn điện thoại (SMS) và thư điện tử để tổ chức, cá nhân chủ động trong việc nhận kết quả giải quyết TTHC.
Để có được hạ tầng công nghệ hiện đại, phục vụ giải quyết TTHC, ông Nguyễn Tuấn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Trung tâm đã triển khai, áp dụng nhiều sáng kiến đột phá trong giải quyết TTHC như: Sử dụng phần mềm biên lai thu phí, lệ phí điện tử tự động tại một đầu mối; triển khai thanh toán tiền phí, lệ phí qua hệ thống thanh toán trực tuyến VNPTPAY; ký thỏa thuận với Ngân hàng Vietinbank cung cấp dịch vụ Internet Banking, đặt POS quẹt thẻ, thanh toán bằng mã QR pay miễn phí dịch vụ cho tổ chức, công dân có nhu cầu thanh toán phí, lệ phí bằng tài khoản ngân hàng. Việc áp dụng các kênh thanh toán trực tuyến và sử dụng hóa đơn/biên lai điện tử nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, minh bạch trong quá trình thu phí và lệ phí TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, giúp cho tổ chức, công dân giảm thời gian, chi phí, tiết kiệm được chi phí in ấn, chi phí văn phòng phẩm...
Bên cạnh đó, việc tích hợp, kết nối chia sẻ dữ liệu chuyên ngành trong giải quyết TTHC luôn được trung tâm quan tâm, chú trọng. Trong năm 2020, trung tâm đã phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tư pháp tích hợp, kết nối, đồng bộ thành công cơ sở dữ liệu chuyên ngành về cấp đổi Giấy phép lái xe và cấp Phiếu lý lịch tư pháp với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của trung tâm góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm áp lực cho cán bộ, công chức trong xử lý công việc. Hiện nay Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa là một trong những đơn vị đầu tiên đã thực hiện thành công việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tư pháp.
Anh Nguyễn Hồng Lâm (số nhà 27 Tô Vĩnh Diện, TP Thanh Hóa) chia sẻ: Tôi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm thủ tục cấp lại Giấy phép lái xe. Lâu lắm rồi tôi mới đến thực hiện TTHC nên cảm thấy việc tiếp nhận hồ sơ rất tiện ích, nhanh chóng, môi trường làm việc hiện đại, văn minh lịch sự, cán bộ tiếp nhận và hướng dẫn tận tình, niềm nở. Nhờ ứng dụng CNTT nên quy trình thủ tục nhanh chóng, thuận tiện chỉ trong vòng khoảng 4 phút đồng hồ, tôi đã hoàn thiện xong thủ tục.
Ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC, nhiều TTHC công đã được số hóa, tạo sự tương tác giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Chị Trịnh Thị Trung (đại diện một doanh nghiệp ở TP Thanh Hóa) đến làm thủ tục mở trung tâm đào tạo Anh ngữ cho biết: Thông qua việc kê khai trên hệ thống điện tử sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, doanh nghiệp cũng có thể theo dõi sát tiến trình giải quyết hồ sơ của mình. Không như trước đây mỗi lần nộp hồ sơ, doanh nghiệp chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần để chỉnh sửa. Bây giờ không chỉ có thể nộp hồ sơ, thậm chí chỉnh sửa hồ sơ cũng có thể thực hiện trực tuyến tại công ty. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể phản hồi ý kiến, góp ý thông qua các ứng dụng cũng rất thuận lợi.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận trên 16.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tập trung chủ yếu vào TTHC của các đơn vị: Sở Tư pháp (8.117 hồ sơ); Sở Công Thương (3.120 hồ sơ); Sở Y tế (1.361 hồ sơ); Sở Giao thông - Vận tải (1.253 hồ sơ); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (500 hồ sơ); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (279 hồ sơ),... vượt rất xa so với cùng kỳ năm 2020 (4 tháng đầu năm 2020 chỉ có 1.473 hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3, 4). Đến nay, các TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại trung tâm là 645/1.558 TTHC, trong đó có 104 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 541 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Kết quả đạt được từ việc tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC tại trung tâm đã giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử đang là hướng đi đúng để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền và Nhân dân, giúp tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính Nhà nước góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), qua đó góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Để nâng cao hiệu quả trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân... Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị truyền thông xây dựng và phát sóng nhiều phóng sự, tin, bài tuyên truyền về hoạt động của trung tâm. Xây dựng, phát hành nhiều cuốn tài liệu, tờ gấp hướng dẫn quy trình giải quyết TTHC, hướng dẫn nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 qua Cổng dịch vụ công tỉnh đối với TTHC thực hiện tại trung tâm để cấp phát cho tổ chức, công dân đến giao dịch. Cùng với đó, trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn và làm mẫu để tổ chức, công dân thực hiện nhằm hạn chế số lượng người đến giải quyết trực tiếp tại trung tâm, giảm áp lực cho cán bộ, công chức trong xử lý hồ sơ, công việc.
Chuyển đổi số hướng tới xây dựng nền hành chính công hiệu quả, minh bạch, thực sự là bước đột phá mới, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vẫn cần thêm những chính sách đặc thù và sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân.
(Nguồn tin: baothanhhoa.vn)