• Đăng nhập

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 2.700.

Phó Thủ tướng biểu dương những kết quả rất đáng phấn khởi của Cổng Dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành, với sự giúp đỡ các tổ chức quốc tế, sự tham gia, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, người dân… Đồng thời nhìn lại 1 năm, nhìn lại những việc đã làm, để xác định quyết tâm mạnh mẽ hơn, đẩy nhanh tiến độ nhằm phục vụ người dân tốt hơn trong thời gian tới.

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã vượt hầu hết các chỉ tiêu, kỳ vọng ban đầu về số lượng dịch vụ, hồ sơ. Những con số tiết kiệm về thời gian, chi phí đã nói lên sự thiết thực của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đặc biệt, ngoài chức năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ còn được giao nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn cho nhân dân để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công; tiếp thu và phản hồi các ý kiến của người dân.

Theo Phó Thủ tướng, trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa bộ máy hành chính, đòi hỏi sự thay đổi tư duy, cọ xát rất khó khăn. Chính phủ xác định những gì cần đột phá thì cấp cao nhất gương mẫu làm trước. Vì vậy, từ mấy năm trở lại đây, ngoài chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ thì Văn phòng Chính phủ luôn là cơ quan được giao đi đầu trong việc thực hiện xử lý hồ sơ trên mạng, tổ chức cung cấp cung cấp, tích hợp dịch vụ công trực tuyến các cấp.

Một số quốc gia đã làm rất tốt việc xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, và qua tham khảo kinh nghiệm, sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, bằng phương thức thuê dịch vụ, Văn phòng Chính phủ đã triển khai xây dựng rất nhanh Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Mục đích xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia không chỉ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mà Chính phủ còn thực hiện công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động trước nhân dân, qua đó tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để xây dựng một Chính phủ phục vụ.

Phó Thủ tướng cho rằng nếu thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tốt, tránh tiếp xúc trực tiếp sẽ tạo ra cơ hội mọi doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng các dịch vụ một cách bình đẳng, hạn chế phát sinh tiêu cực.

Đây cũng là chỉ số rất quan trọng để cộng đồng quốc tế đánh giá môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cũng như xếp hạng Chính phủ điện tử.

Những năm vừa qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với sự đóng góp của Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã được thúc đẩy mạnh mẽ.

Từ câu chuyện Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Phó Thủ tướng mong muốn Cổng Dịch vụ công quốc gia phải đặt mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên, ít nhất ở cấp bộ, cấp tỉnh, trong thời gian ngắn nhất.

“Bộ TT&TT đang hỗ trợ, tư vấn một số địa phương trong năm 2021 có thể cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Vấn đề là thay đổi cách làm, thuê cả gói dịch vụ, các doanh nghiệp làm trọn gói, kết nối các nền tảng, phần mềm để tiết kiệm chi phí. Khi triển khai đồng loạt các dịch vụ công thì sẽ tạo được không khí thi đua, động lực trong từng cơ quan, từng cấp chính quyền phải vào cuộc để thực hiện cải cách hành chính, tạo khí thế mới”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn các địa phương mạnh dạn, vừa làm, vừa tiếp tục hoàn thiện, tập trung những dịch vụ công có nhiều hồ sơ phát sinh.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ tạo xung lực lan tỏa để các cấp, các ngành thúc đẩy tin học hóa, xử lý hồ sơ công việc trên mạng máy tính, có truy vết, trách nhiệm xử lý rõ ràng không lo mất, thất lạc, sai sót hồ sơ. Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia, hình thành thói quen của cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng cơ sở dữ liệu nhánh của các bộ ngành, địa phương, đơn vị mình.

Phó Thủ tướng nêu rõ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn các nền tảng, công cụ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân với nhà nước, giữa người dân với nhau, mà còn là công cụ hữu hiệu để phòng chống tham nhũng.

Để phát triển công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… rất cần dữ liệu mở, trực tiếp, gián tiếp liên quan, vì vậy Phó Thủ tướng lưu ý phải đảm bảo tính an toàn, riêng tư của người dân, sử dụng dữ liệu không được ảnh hưởng đến quyền cá nhân.

Bên cạnh biểu dương những nơi làm tốt, Phó Thủ tướng đề nghị thẳng thắn chỉ ra những bộ ngành, địa phương làm chưa tốt, thậm chí có những nơi mới cung cấp được một vài dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, “như vậy có phải là tạo điều kiện cho doanh nghệp, người dân hay không?”.

“Chúng ta nói rất nhiều về những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với rất nhiều định hướng, giải pháp, nhưng chắc chắn chúng ta phải ứng dụng CNTT mạnh mẽ, triệt để trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Chúng ta phải phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, và chắc chắn Chính phủ phải tiên phong đi trước”, Phó Thủ tướng nói.

(Nguồn tin:baomoi.vn)


Tin liên quan

    Top