• Đăng nhập

Năm 2020, các chỉ số SIPAS, PAR INDEX của Thanh Hóa đều có sự nhảy vọt trên bảng xếp hạng. Trong đó chỉ số hài lòng của tổ chức, công dân (TCCD) đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), tăng 10 bậc so với năm 2019; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), tăng 14 bậc so với năm 2019. Bước “nhảy vọt” ấn tượng này là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở khi kiên trì thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính (CCHC).

“Bứt phá” từ sự hài lòng

Hầu hết người dân đều e ngại khi đi làm thủ tục hành chính (TTHC) vì mất thời gian mà nhiều khi còn thêm bực. Rất ít người nghĩ đến việc có thể được giải quyết TTHC ngay tại nhà mình. Thế nhưng, tất cả đã thay đổi kể từ khi Công an tỉnh và công an các huyện, thị, thành phố triển khai làm căn cước công dân (CCCD) lưu động vào thứ 7, chủ nhật. Do tuổi cao, lại bị bại liệt một bên chân nên bà Lê Thị Nghị, ở thị trấn Yên Cát (Như Xuân) không thể đến Công an huyện để làm CCCD. Năm 2020, bà được tổ công tác của Công an huyện đến tận nhà lấy thông tin cá nhân làm CCCD, bà rất xúc động và phấn khởi. Còn chị Bùi Thị Hồng, trú tại thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) đã gửi thư đến Giám đốc Công an tỉnh cảm ơn các cán bộ đã đến tận nhà làm CCCD cho người mẹ bị liệt, tuổi cao, không thể đi lại được... Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ công an đến tận các gia đình, các nhà văn hóa, trung tâm bảo trợ xã hội làm CCCD lưu động cho người khuyết tật, già yếu, bị bệnh, bà con vùng sâu, vùng xa... đã nhận được nhiều thiện cảm, yêu mến từ người dân.

Có đi thực tế tìm hiểu, về tới từng thôn, xóm để nghe người dân nói, tận mắt thấy việc cán bộ làm thì mới hiểu được sự nỗ lực từ nhiều phía của các cấp chính quyền. Nói về việc xin lỗi công dân khi giải quyết TTHC chậm trễ, anh Lê Huy Hòa, Chủ tịch UBND xã Đông Thịnh (Đông Sơn) cho biết: “Chúng tôi xác định rất rõ, nếu xã giải quyết hồ sơ chậm hơn thời gian quy định thì đó là trách nhiệm của xã. Xã phải thông báo lý do bằng văn bản để giải thích và xin lỗi TCCD, tránh những bức xúc không đáng có. Chúng tôi cũng rất vui khi cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 chưa phải gửi thư xin lỗi tới TCCD”.

Để đánh giá một cách khách quan nhất chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, các sở, ngành và các địa phương đã triển khai đa dạng nhiều cách thức như phát phiếu khảo sát để TCCD đánh giá mức độ hài lòng qua hòm thư góp ý, công khai số điện thoại đường dây nóng, qua địa chỉ Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa (pakn.dichvucong.gov.vn), hệ thống phản hồi (http://phanhoi.thanhhoa.gov.vn) cũng mới bổ sung thêm tính năng thông báo qua tin nhắn điện thoại tới TCCD rất tiện ích. Có một sự khác biệt ở đây là nếu phỏng vấn trực tiếp, TCCD có thể sẽ không nói thật về suy nghĩ của mình, nhưng thông qua những cách làm này, TCCD đánh giá rất khách quan và chính xác về chất lượng phục vụ. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh tiếp nhận 134 phản ánh, kiến nghị của TCCD. 100% phản ánh, kiến nghị được chuyển đến các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý và báo cáo kết quả kịp thời, công khai đúng thời gian quy định. Điều này được TCCD đánh giá rất cao về tinh thần tiếp nhận cũng như trách nhiệm giải quyết.

Lấy sự hài lòng của TCCD là thước đo để đánh giá hiệu quả, chất lượng phục vụ, trên tinh thần đó, 7 năm qua, Sở Nội vụ thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát ý kiến phản hồi của TCCD, tìm hiểu ý kiến, nhận định của người sử dụng dịch vụ đối với thực trạng giải quyết TTHC hằng năm, tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại để có giải pháp khắc phục. Chị Dương Thị Thúy, Trưởng Phòng CCHC, Sở Nội vụ cho biết: “Các cuộc khảo sát được thực hiện trên các lĩnh vực mà người dân quan tâm, được cho là “nóng” và số lượng giao dịch nhiều như đất đai, xây dựng, chính sách xã hội, y tế, cấp phép kinh doanh có điều kiện, bảo hiểm thất nghiệp... Qua 7 năm khảo sát với hơn 9.300 phiếu thu được cho thấy, tỷ lệ hài lòng bình quân hàng năm đạt trên 80%. Tỷ lệ hài lòng được cải thiện rõ rệt qua từng năm với mức độ hài lòng năm sau cao hơn năm trước trong từng lĩnh vực cụ thể”.

Sự “nhảy vọt” về vị trí xếp hạng của Thanh Hóa không thể không nói đến sự ra đời và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Từ cuối năm 2017, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong giải quyết TTHC theo hướng nhanh chóng, công khai, không có khâu trung gian và giảm chi phí thực hiện. Điều này được minh chứng thông qua kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của TCCD. Năm 2020, tỷ lệ rất hài lòng của TCCD đạt 83,7%, tỷ lệ hài lòng là 13,4%, phiếu đánh giá bình thường là 2,9%, không có phiếu đánh giá không hài lòng. Chị Lê Thị Liễu, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh, thị xã Nghi Sơn cho biết: “Trước đây, khi kế toán thuế đi làm tờ khai thuế, nộp thuế, thường phải chờ đợi khá lâu. Từ khi TTHC thuế thay đổi, chỉ cần một thao tác nhỏ trên máy tính cũng có thể thực hiện được tờ khai thuế và nộp thuế trực tuyến, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian”. Ngoài Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 27/27 huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đều nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất bộ phận “một cửa” và đầu tư trang bị, công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, phục vụ tốt nhất và nhanh nhất TCCD khi đến giao dịch.

Sau 4 năm thực hiện chấm điểm Chỉ số SIPAS, năm 2020 là năm đầu tiên Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố và “về đích” ở vị trí thứ 13/63 trên bảng xếp hạng của cả nước. Sự thay đổi đáng phấn khởi này đã phản ánh một cách khách quan nhất sự nỗ lực và sự bứt phá của Thanh Hóa trong xây dựng nền hành chính lấy sự hài lòng của TCCD là trung tâm phục vụ.

Ấn tượng Chỉ số PAR INDEX

Giai đoạn 2017-2019, Chỉ số PAR INDEX của Thanh Hóa tụt giảm đáng kể, luôn xếp ở nhóm cuối của cả nước khi đứng ở vị trí thứ 61 (năm 2017), thứ 57 (năm 2018) và thứ 43 (năm 2019). Chính “bước hụt” này đã thôi thúc cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đưa ra nhiều giải pháp đổi mới để cải thiện mạnh mẽ vị trí xếp hạng của tỉnh trong “cuộc đua” với cả nước. Trong bầu không khí đổi mới đó, các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã truyền “sức nóng” đến từng cán bộ, công chức, viên chức, đó là “chìa khóa” quan trọng giúp Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố khác, vươn lên xếp thứ 29 cả nước về Chỉ số PAR INDEX năm 2020 (tăng 14 bậc so với năm 2019). Sự “bứt phá” về thứ hạng trong lần công bố này cho thấy cách làm của Thanh Hóa đang đi đúng hướng và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chỉ số PAR INDEX được xác định theo 8 lĩnh vực, 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần, đánh giá một cách toàn diện từ công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC của tỉnh cũng như các nội dung của chương trình tổng thể CCHC... Điểm nhấn nổi bật trong Chỉ số PAR INDEX của Thanh Hóa năm 2020 là cả 8 lĩnh vực đều có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019. Trong đó, lĩnh vực hiện đại hóa hành chính được 13,71/15 điểm. Trong hiện đại hóa nền hành chính, các phần mềm ứng dụng CNTT đóng vai trò trụ cột của chính quyền điện tử đã được đầu tư xây dựng. Trục tích hợp liên thông văn bản LGSP của tỉnh đã kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã. Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh nằm trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả việc xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số, mỗi năm tiết kiệm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước. Mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số có bước đột phá quan trọng khi cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Thanh Hóa cũng là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với 348 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí cho các cuộc họp và rất phù hợp trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Không dừng ở đó, việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng được tỉnh thúc đẩy mạnh mẽ. Cổng dịch vụ công, hệ thống “một cửa” điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC. Thanh Hóa là 1 trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đang cung cấp 2.079 TTHC, trong đó có 831 TTHC mức độ 3 và 4, phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian và công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC. Khi chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, Thanh Hóa đã nhanh chóng bắt nhịp, hòa mình cùng sự chuyển đổi tích cực ấy. Dù không là tỉnh đi tiên phong như Quảng Ninh nhưng Thanh Hóa xác định sẽ làm và phải làm thành công. Tại buổi kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chương trình chuyển đổi cấp xã tại huyện Nga Sơn và Hà Trung, đồng chí Nguyễn Văn Tước, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã khẳng định: “Cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã, đang chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu chung là ứng dụng CNTT nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao là nền tảng cho phát triển kinh tế số; thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số. Từ 3 xã triển khai thí điểm chuyển đổi số, sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh”.

Có thể thấy, điều mà cả hệ thống cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa làm được đó là “dám nhìn thẳng vào sự thật” để tập trung gỡ những “nút thắt” trong thực hiện. Trong các nội dung đánh giá của Bộ Nội vụ, nội dung về TTHC Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó các chỉ số thành phần về niêm yết công khai TTHC, thành phần hồ sơ nộp đúng quy định... đều đạt trên 90%. Đồng chí Nguyễn Giang Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã phân cấp, ủy quyền phê duyệt kết quả giải quyết TTHC đối với một số lĩnh vực để tạo thuận tiện, nhanh chóng nhất cho TCCD. Các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã cắt giảm từ 30% - 70% thời gian giải quyết đối với những TTHC đang thực hiện. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện được niêm yết đầy đủ, công khai, dễ thấy trên bảng treo tường tại bộ phận “một cửa” và trên Cổng thông tin điện tử của các đơn vị. Đối với cấp xã, nhiều địa phương đã gửi kết quả giải quyết TTHC về thôn để thông báo trên loa phát thanh cho người dân được biết. Việc giao, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đến địa chỉ người nhận đảm bảo đúng hạn, không thất lạc. Đặc biệt, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến có rất nhiều đột phá khi năm 2020 cao gấp 51 lần so với năm 2019”.

Dù có sự thay đổi “nhảy vọt” trên bảng xếp hạng của cả nước nhưng Thanh Hóa không cho phép hoạt động CCHC được trùng xuống. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR INDEX năm 2020, đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Kết quả này là rất đáng phấn khởi, tuy nhiên Thanh Hóa vẫn phải tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả cả 6 nội dung CCHC, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân. Với tâm thế đó, Thanh Hóa phải nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn “mổ xẻ” những tiêu chí còn thấp điểm, mất điểm để đưa ra mục tiêu phấn đấu mới cao hơn cho năm 2021 và những năm tiếp theo”.

(Nguồn tin: baothanhhoa.vn)


Tin liên quan

    Top