• Đăng nhập

Dù có sự “nhảy vọt” trên bảng xếp hạng của cả nước, song các chỉ số SIPAS, PAR INDEX, PAPI, PCI của Thanh Hóa không ổn định qua các năm. Để cán những đích mới cao hơn, Thanh Hóa đã thẳng thắn nhận diện những tiêu chí mất điểm, thấp điểm. Qua việc tự soi, tự sửa để khắc phục bằng được những hạn chế, quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn.

Nhận diện những tiêu chí mất điểm, thấp điểm

Sau mỗi lần công bố kết quả các chỉ số SIPAS, PAR INDEX, PAPI, PCI, Thanh Hóa đều tổ chức các hội nghị thảo luận, phân tích, đánh giá các chỉ số, những chỉ số thành phần mất điểm, thấp điểm để đưa ra giải pháp khắc phục. Theo phân tích của Sở Nội vụ, thực hiện chỉ số cải cách hành chính (CCHC) PAR INDEX mà Bộ Nội vụ quy định, Thanh Hóa có một số tiêu chí, tiêu chí thành phần bất lợi. Đó là tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm phải cao hơn năm trước từ 20% trở lên mới đạt điểm tối đa là chưa phù hợp. Năm 2019, Thanh Hóa có tới 3.275 doanh nghiệp thành lập mới, năm 2020 Thanh Hóa tăng lên 3.493 doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ 7 cả nước. Đây là kết quả rất đáng phấn khởi, thế nhưng tỷ lệ tăng của năm 2020 so với năm 2019 chỉ đạt 6,65%, không đạt yêu cầu theo khung chấm điểm. Trong khi đó, các tỉnh, thành khác có số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít hơn nhiều nhưng vẫn đạt tỷ lệ 20% trở lên. Cũng theo quy định của Bộ Nội vụ, phải có từ 50% trở lên số thủ tục hành chính (TTHC) có phát sinh hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích so với tổng số TTHC đang thực hiện. Tiêu chí này rất khó đạt điểm do đa số tổ chức, công dân vẫn chưa có thói quen sử dụng dịch vụ này vì sợ mất giấy tờ gốc. Ngoài ra, trong năm 2020, Thanh Hóa có một số sai phạm sau thanh tra, kiểm tra về thu, chi tài chính nên bị trừ điểm.

Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, theo chấm điểm của Bộ Nội vụ, nhiều tiêu chí thành phần Thanh Hóa thấp điểm hoặc mất điểm là do nguyên nhân chủ quan. Kết quả kiểm tra năm 2020 cho thấy, có 14/15 đơn vị thu thừa các thành phần hồ sơ trong giải quyết TTHC, tập trung ở lĩnh vực đất đai, chính sách, bảo trợ xã hội, người có công. Theo quy định, 100% TTHC đã công bố thực hiện mức độ 3 và 4 phải được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia mới đạt điểm tối đa, nhưng trong năm 2020 Thanh Hóa mới tích hợp được 605/818 dịch vụ công mức độ 3 và 4 đã công bố nên bị trừ điểm. Trong công tác cán bộ, các đơn vị như Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND TP Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân có cơ cấu lãnh đạo chưa hợp lý, thừa số lượng cấp phó phòng và tương đương; một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh bố trí viên chức chưa đúng theo vị trí việc làm được phê duyệt; một số cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp phòng bị kỷ luật. Trong năm, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số sở, ngành, UBND cấp huyện chưa kiểm tra định kỳ đối với các nhiệm vụ đã phân cấp, một số nội dung đã kiểm tra thì phát hiện nhiều sai phạm. Đối với tiêu chí thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, Thanh Hóa có 2 nhiệm vụ chưa hoàn thành nên không có điểm.

Năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa đạt 63,91 điểm, đứng thứ 28 cả nước (tụt 4 bậc so với năm 2019). Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa nhận định: “Sở dĩ, chỉ số PCI năm 2020 giảm so với năm 2019 là do tốc độ cải thiện của một số chỉ số thành phần còn ở mức thấp; một số chỉ số thành phần quan trọng bị tụt giảm về điểm và thứ hạng. Ví như điểm số về tính minh bạch năm 2020 giảm 42 bậc so với năm 2019, tính năng động của chính quyền giảm 12 bậc, chi phí không chính thức giảm 6 bậc, đào tạo lao động giảm 4 bậc... Một số chỉ số hiện vẫn đang xếp hạng khá thấp như chi phí thời gian xếp thứ 46/63 cả nước, chỉ số cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 56/63, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ 57/63...”.

Theo công bố của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, năm 2020 Thanh Hóa xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 2 bậc so với năm 2019. Tuy nhiên, theo phân tích của bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại hội nghị trao đổi các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI của Thanh Hóa diễn ra cuối tháng 6-2021 vừa qua, nhiều chỉ số thành phần như quản trị điện tử, quản trị môi trường hay trách nhiệm giải trình với người dân... của Thanh Hóa đã nhiều năm nằm ở mức trung bình thấp; một số chỉ số thành phần giảm điểm nhiều năm liên tục mà chưa được khắc phục. Tính chung 10 năm từ 2011-2020, chỉ số PAPI của Thanh Hóa chỉ tăng 0,6 điểm, thuộc nhóm thấp của cả nước. Điều này cho thấy mức độ tiếp cận thông tin của người dân đối với các dịch vụ, khả năng quản trị của cơ quan nhà nước vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Gỡ dần những điểm nghẽn

Từ việc nhận diện đúng những hạn chế còn tồn tại, Thanh Hóa đã từng bước gỡ dần những điểm nghẽn trong CCHC. Không phải ngẫu nhiên Thanh Hóa có được sự tin tưởng, hài lòng cao từ phía người dân, doanh nghiệp mà đó là cả một quá trình nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ. Điều này được minh chứng khi đây là nhiệm kỳ thứ 2 tỉnh lựa chọn “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” là khâu đột phá để tiếp tục thực hiện.

Thanh Hóa luôn xác định lấy sự hài lòng của Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp là đích đến của mọi sự phục vụ. Không vội hài lòng với những kết quả đạt được mà tỉnh còn phấn đấu làm tốt hơn nữa, đưa công tác CCHC đi vào chiều sâu, hình thành “vững chắc” tư duy phục vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đó là lý do để Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, trong đó có các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn. Nhằm đưa Thanh Hóa vươn cao hơn nữa trên bảng xếp hạng của cả nước, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện “Khâu đột phá đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PCI và PAPI nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Để cùng lúc nâng cao thứ hạng cả 4 chỉ số này đòi hỏi một khối lượng lớn công việc cần phải làm và làm sớm. Ngay trong tháng 2-2021, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cải thiện chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các sở, ngành theo dõi, đánh giá từng chỉ số năng lực cạnh tranh. Theo định kỳ, ban chỉ đạo sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa khảo sát, điều tra, đánh giá các chỉ số PCI của tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để cải thiện chỉ số quan trọng này.

Cuối tháng 6-2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị trao đổi các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh Thanh Hóa. Sau khi nghe các chuyên gia phân tích những chỉ số thấp điểm, mất điểm, nguyên nhân vì sao trong 10 năm qua, chỉ số PAPI của Thanh Hóa chỉ tăng có 0,6 điểm, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương phải nhìn nhận khách quan, đánh giá chính xác về các chỉ số thành phần mà Thanh Hóa đang đạt điểm thấp để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp thực tế của từng đơn vị. Đảng lãnh đạo, chính quyền địa phương hành động quyết liệt và toàn diện, đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. MTTQ các cấp và các đoàn thể - chính trị tăng cường công tác giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Có như vậy mới hiện thực hóa thành công việc cải thiện chỉ số PAPI và các chỉ số khác của tỉnh.

Có thể thấy, chưa thời kỳ nào mà nội dung CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh lại được cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan nỗ lực chỉ đạo và thực thi như hiện tại. Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy diễn ra ngày 1-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận về kết quả rà soát, khắc phục hạn chế, yếu kém nâng cao thứ hạng chỉ số PCI và chỉ số PAPI của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải thực hiện có hiệu quả 3 “công khai” là công khai TTHC, công khai thời gian giải quyết TTHC và công khai các khoản phí, lệ phí (nếu có), đồng thời thực hiện nghiêm túc việc niêm yết TTHC tại trụ sở cơ quan và trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ sớm ban hành “Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc chỉ đạo và triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.

Gần đây nhất, đầu tháng 8-2021, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe quy trình giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định rằng, Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án tốt nhất. Tỉnh cùng các sở, ban, ngành đã đơn giản hóa nhiều TTHC, song phải mạnh dạn nhìn thẳng vào những tồn tại mới có thể tìm ra các giải pháp khắc phục. Thực tiễn yêu cầu không chỉ bộ máy hành chính, mà từng cán bộ, công chức cũng phải nỗ lực đổi mới quy trình và phương pháp làm việc. Thanh Hóa phấn đấu nằm trong top 10 cả nước về các chỉ số CCHC nên việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC là yêu cầu cấp thiết.

Xác định trách nhiệm của người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, định kỳ hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân để giải quyết kịp thời các kiến nghị của Nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh cũng tiếp doanh nghiệp đều đặn mỗi tháng để nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về TTHC, bảo đảm cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện CCHC, đồng thời xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện CCHC 5 năm và hàng năm, nội dung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung CCHC, thời gian thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và cơ quan thực hiện. Tất cả minh chứng cho sự quyết tâm của các cấp, các ngành với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, đem lại niềm tin, sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

(Nguồn tin: htttps://baothanhhoa.vn)


Tin liên quan

    Top